Người thiếu niên anh hùng
Giặc Nguyên cho người sang giả vờ mượn đường để xâm chiếm nước ta. Biết vua họp bàn việc nước dưới thuyền rồng, Trần Quốc Toản muốn gặp vua để xin đi đánh giặc. Bị mấy người lính gác chặn lại, Quốc Toản mặt đỏ bừng, nói lớn:
– Ta xuống thuyền rồng xin yết kiến vua!
Vừa lúc ấy, cuộc họp dưới thuyền rồng tạm nghỉ. Gặp vua, Quốc Toản quỳ xuống, tâu:
– Cho giặc mượn đường là mất nước. Xin Bệ hạ cho đánh! Vua truyền cho Quốc Toản đứng dậy và bảo:
Quốc Toản làm trái phép nước, lẽ ra phải trị tội. Nhưng xét thấy khanh còn trẻ đã biết lo việc nước, ta có lời khen.
Nói rồi, vua ban cho Quốc Toản một quả cam quý.
Quốc Toản tạ ơn vua mà vẫn ấm ức: “Vua ban cho cam quý nhưng xem ta như trẻ con, không cho dự bàn việc nước”. Nghĩ đến quân giặc, chàng nghiến răng, tay bóp chặt quả cam.
Thấy Quốc Toản trở ra, mọi người ùa tới xem cam quý vua ban. Nhưng quả cam đã nát tự bao giờ.
Về nhà, Quốc Toản tập hợp người nhà và trai tráng trong vùng, lập đội quân hơn một nghìn người. Chàng cho dựng lá cờ lớn thêu sáu chữ vàng: “Phá giác mạnh, báo ơn vua”.
Đội quân của Trần Quốc Toản lập được nhiều chiến công. Trần Quốc Toản được tôn vinh là người thiếu niên anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Theo Nguyễn Huy Tưởng
Nguồn: Người thiếu niên anh hùng, SGK Tiếng Việt lớp 2 (Chân trời sáng tạo)
– Yết kiến: đến gặp Uua.
– Khanh: từ mà vua và hoàng hậu dùng để gọi người thân cận.
– Thuyền rồng: thuyền của vua, có chạm hình con rồng.