Nội dung của bài
Bài thơ Thăm nhà bà
(Bài thơ Bà đi vắng)
Đến thăm bà
Bà đi vắng
Có đàn gà
Chơi ngoài nắng
Cháu đứng ngắm
Đàn gà con
Rồi gọi luôn
Bập, bập, bập
Chúng lật đật
Chạy thật nhanh
Xúm vòng quanh
Kêu: “Chiếp, chiếp”
Gà mãi miết
Nhặt thóc vàng
Cháu nhẹ nhàng
Lùa vào mát.
Tác giả: Như Mao.
Gợi ý giáo án của bài thơ Thăm nhà bà:
Các cô và các bậc phụ huynh (xin được gọi tắt là cô) có thể tham khảo gợi ý giáo án của bài thơ này như sau:
1. Mục tiêu tiếp cận:
– Đây là một bài thơ hay dành cho lứa tuổi mầm non nhằm giúp các bé phát triển ngôn ngữ, rèn luyện câu chữ, bổ sung vốn từ cho trẻ. Bên cạnh đó, nội dung bài thơ hướng đến giáo dục các bé biết yêu thương, vâng lời và giúp đỡ ông bà, cha mẹ của mình, cụ thể ở đây là đến thăm bà và giúp bà cho gà ăn.
– Các cô và các bậc phụ huynh hãy cùng trẻ đọc bài thơ, giúp trẻ hiểu dược nội dung của bài thơ cũng như là có thể học thuộc lòng được bài thơ này.
2. Các bước chuẩn bị:
– Máy chiếu hoặc tranh ảnh về nội dung của bài thơ.
– Bài hát thiếu nhi Cháu yêu bà.
3. Hoạt động:
3.1. Gây hứng thú, dẫn dắt trẻ vào bài học:
– Các cô giúp trẻ ổn định chỗ ngồi.
– Các cô chuẩn bị máy chiếu hoặc tranh ảnh trước mặt trẻ.
– Các cô hỏi trẻ về các ngày lễ mừng cho phụ nữ sắp đến như 8/3, 20/10…
– Các cô gợi ý vào những ngày lễ này thì các bé thường làm những gì cho các bà, các mẹ, các chị… của mình được vui? Có phải là các bé ngoan, biết vâng lời, giúp đỡ… đúng không?
– Từ đây các cô bắt đầu giới thiệu về bài thơ Thăm nhà bà.
3.2. Dạy trẻ cùng đọc bài thơ Thăm nhà bà:
– Các cô đọc qua 2 lần bài thơ này.
– Sau đó đọc từng câu của bài thơ, mỗi câu cho các bé đọc lại 1 lần. Nếu có thời gian, cô hãy lặp lại hoạt động này 2-3 lần cho trẻ thuộc dần bài thơ.
– Tiếp đến, các cô giúp trẻ tìm hiểu và cùng tương tác với nội dung của bài thơ:
+ Bạn nào cho cô biết tên của bài thơ mình vừa đọc? (Trả lời: Bài thơ Thăm nhà bà).
+ Khi bé đến thăm nhà bà thì bà có ở nhà không? (Trả lời: bà đi vắng, bà không ở nhà). Cô cần giảng dãi nghĩa của từ cụm từ bà đi vắng: bà không có ở nhà.
+ Em bé thấy gì ở nhà bà? (Trả lời: Đàn gà).
+ Khi thấy đàn gà thì em bé làm gì? (Trả lời: Bé đứng ngắm, bé gọi đàn gà).
+ Bé gọi đàn gà như thế nào? (Trả lời: Bập! bập! bập!).
+ Vậy đàn gà có nghe theo bé không? (Trả lời: Đàn gà chạy nhanh nhanh).
+ Đàn gà kêu như thế nào? (Trả lời: Đàn gà kêu chiếp chiếp).
– Cô nhắc lại nội dung thơ nhằm giáo dục trẻ: em bé rất ngoan, đến thăm bà biết giúp bà chăm đàn gà, biết lùa gà vào mát khỏi bị nắng, rồi cho gà ăn.
– Cô lại tiếp tục đọc từng câu của bài thơ, mỗi câu cho các bé đọc lại 1 lần. Nếu có thời gian, cô hãy lặp lại hoạt động này 2-3 lần cho trẻ thuộc dần bài thơ.
– Cô có thể phân trẻ ra từng nhóm, từng tổ rồi lần lượt cho các tổ, nhóm đó đọc lại nội dung của bài thơ.
– Cô cho trẻ xung phong đọc lại bài thơ (không cần hết nội dung của bài).
3.3. Hoạt động kết thúc:
– Cho trẻ cùng hát bài hát Cháu yêu bà.
– Nhắc lại nội dung: các bé phải biết yêu thương, vâng lời và giúp đỡ ông bà, cha mẹ của mình.
– Cô biểu dương các trẻ đã xung phong trả lời, đọc lại bài thơ.