Bài thơ Chiêu hồn nước
Hăm lăm triệu trẻ già trai gái,
Bốn nghìn năm con cái Hồng Bàng.
Cũng nhà cửa, cũng giang san,
Thế mà Nước mất nhà tan hỡi trời!
Nghĩ lắm lúc đương cười hoá khóc,
Muốn ra tay ngang dọc dọc ngang.
Vạch trời thét một tiếng vang,
Cho thân tan với giang san Nước nhà.
Đồng bào hỡi! – Con nhà Hồng Việt,
Có thân mà chẳng biết liệu đời.
Tháng ngày lần lữa đợi thời,
Ngẩn ngơ ỷ lại ở người, ai thương!
Nay sóng gió bốn phương dữ dội,
Có lẽ nào ngồi đợi mãi sao?
Đồng bào chút giọt máu đào,
Thương ôi! Tội nghiệp đời nào xót đây!
Nên mau mau dậy ngay kẻo muộn!
Mà xót thương đến chốn Nhị, Nùng.
Xưa kia vẫn lắm anh hùng,
Dọc ngang trời đất vẫy vùng bể khơi.
Xưa cũng có lắm người hào kiệt,
Trong một tay nắm hết sơn hà.
Nghìn thu gương cũ không nhoà,
Mở mày mở mặt con nhà Lạc Long.
Non sông vẫn non sông gấm vóc,
Cỏ cây xưa vẫn mọc tốt tươi.
Người xem cũng dáng con người,
Cũng tai, cũng mắt ở đời khác chi.
Cảnh như thế tình thì như thế!
Sống làm chi, sống để làm chi?
Đời người đến thế còn gì,
Nước non đến thế, còn gì Nước non!
Nghĩ thân thế héo hon tấc dạ,
Trông non sông lã chã dòng châu,
Một mình cảnh vắng đêm thâu,
Muốn đem máu đỏ nhuộm màu giang san.
Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt,
Tiếng cuốc kêu dậy mặt anh hùng.
Nghiến răng nuốt cái thẹn thùng,
Mà chiêu Hồn cũ lại cùng non sông!
Hồn hỡi Hồn, con Hồng cháu Lạc!
Bấy lâu nay giặc giã chiến tranh,
Bấy lâu thịt nát xương tan,
Bấy lâu tím ruột thâm gan vì Hồn.
Hồn hỡi Hồn, kìa non Nước cũ,
Bấy nhiêu lâu mặt ủ mày chau.
Bấy lâu ngậm tủi nuốt sầu,
Bấy lâu hèn kém vì đâu hỡi Hồn.
Trông bốn bể bồn chồn dạ ngọc,
Ngẫm năm châu khôn khóc nên lời.
Đêm khuya cảnh vắng êm trời,
Khôn thiêng chăng hỡi! Hồn ơi Hồn về.
Hồn trở về đừng mê mẩn nữa,
Tính nết xưa phải sửa từ giờ.
Hồn về Hồn cố cho nhờ,
Anh em Hồng Lạc, cõi bờ Việt Nam.
Hãy trở về chớ vì rượu thịt,
Chớ tham nhà cao tít nhiều từng.
Kìa con chim ở trong rừng,
Kiếm mồi đâu có lạc chừng quên cây.
Hồn trở về đừng say sắc đẹp,
Mà nặng tình kẻ khép phòng thu.
Đường đường một đấng trượng phu,
Lẽ đâu Hồn chẳng đền bù non sông.
Hồn trở về chớ mong giàu có,
Mà ước ao xe nọ ngựa kia.
Nghênh ngang mũ áo râu ria;
Trăm nghìn năm vẫn còn bia miệng cười.
Hồn cố về cõi đời chớ chán,
Mà vội đem lòng nản việc trần.
Bát cơm tấm áo manh quần,
Hồn ăn Hồn mặc nợ nần thế gian.
Hồn trở về bấm gan mà chịu,
Cảnh biệt ly tình hiếu đôi đường.
Trượng phu trí ở bốn phương,
Lẽ đâu Hồn chịu vấn vương xó nhà.
Hồn trở về nguyệt hoa chi nữa,
Mà thoi đưa lần lữa tháng ngày.
Xưa nay những kẻ tỉnh say,
Lòng mê có nghĩ việc hay bao giờ!
Hồn Nước về chớ chờ sức yếu,
Hồn Nước hãy định liệu dọc ngang.
Hay Hồn bảo chẳng biết đàng,
Hay Hồn không muốn vội vàng làm ngay.
Hay Hồn sợ tai bay vạ gió,
Hồn Nước đành phải bỏ non sông!
Hoặc Hồn quen thói phục tòng,
Nên Hồn cam chịu làm dòng ngựa trâu.
Hoặc Hồn chỉ cháo rau no đói,
Mà Hồn chẳng mong khỏi cơ hàn.
Hoặc Hồn đã trải lầm than,
Mà Hồn đánh mất cái gan tung hoành?
Hoặc Hồn ở thị thành phố xá,
Hoặc Hồn núp túp lá lều tranh?
Hoặc Hồn trong chốn rừng xanh,
Hoặc Hồn lẩn quất ở quanh sơn hà?
Hoặc Hồn ở Nước nhà chật hẹp,
Hoặc Hồn đi ẩn núp Nước người?
Đêm khuya cảnh vắng im trời,
Khôn thiêng chăng hỡi, Hồn ơi Hồn về!…
Hồn Nước về đừng mê mẩn nữa,
Tính nết xưa phải sửa từ giờ.
Hồn về, Hồn cố cho nhờ,
Con dân Hồng Lạc cõi bờ Việt Nam.
Còn chi sung sướng vẻ vang,
Bằng đem da ngựa sa tràng bọc thây.
Hồn trở về làm ngay ý muốn,
Chớ rụt rè sớm muộn nào nên.
Lẽ thường thành bại đôi bên,
Chớ đo đắn quá mà quên việc mình.
Hồn trở về hy sinh quyền lợi,
Mà tận tâm đối với Nước non.
Dù cho thịt nát xương mòn,
Cái bầu nhiệt huyết vẫn còn như xưa.
Hồn Nước trở về đừng mơ ác mộng,
Để Hồn trở thành ra giống ngựa trâu.
Hồn về Hồn kíp đòi mau,
Tự do hành động mặc dầu dọc ngang.
Hồn trở về bền gan dốc trí,
Chớ có thèm cái vị cao lương.
Tháng ngày dưa muối rau tương,
Chớ tham rượu thịt mà nương nhờ người.
Hồn trở về xoay trời đất lại,
Hồn trở về tát hải đạp sơn!
Chớ nề gió kép mưa đơn!
Mà đem gan chọi với cơn phong trần!
Hồn Nước hỡi! Xa gần nghe thấy,
Thì vùng lên! Kíp dậy mà về.
Hoặc Hồn ở chốn thôn quê,
Hoặc là Hồn ở phủ kia lầu nầy?
Nước non cũ bấy nay khao khát,
Ngày nầy qua ngày khác lại qua,
Mấy phen lệ nhỏ máu sa,
Mấy phen xót xót xa xa lòng vàng.
Mong Hồn tỉnh Hồn càng không tỉnh;
Mong Hồn về, Hồn định không về.
Non sông Hồn bỏ lời thề,
Cho non sông chịu trăm bề lầm than.
Hồn hỡi Hồn! Giang san là thế,
Giống Lạc Hồng tôi kể Hồn hay:
Kể từ Hồn lạc đến nay,
Đêm đêm khóc khóc, ngày ngày than than.
Cũng có kẻ trên ngàn nhỏ máu,
Cũng có người nương náu phương xa.
Nhiều người bỏ cửa bỏ nhà,
Cũng người lo nghĩ tuyết pha mái đầu.
Cũng có kẻ làm thân trâu ngựa,
Cũng có người đầy tớ con đòi.
Cũng thằng buôn giống bán nòi,
Khôn thiêng chăng hỡi! Hồn coi cho tường…!
Có mồm nói, khôn đường mà nói,
Có chân tay, người trói chân tay,
Mập mờ không biết dở hay,
Ù ù cạc cạc, công nầy việc kia.
Hồn hỡi Hồn! Đêm khuya canh vắng,
Hồn nghe có cay đắng hay không?
Tôi đây cùng giọt máu hồng,
Cũng xương cũng thịt con Rồng cháu Tiên.
Trông thấy cảnh mà điên mà dại,
Trông thấy tình mà dại mà điên
Mà sao không thể ngồi yên?
Sa câu gan ruột tôi biên mời Hồn.
Hồn nghe thấy nên chồn tấc dạ,
Hồn nghe xong nên khá mà về.
Chớ đừng tỉnh tỉnh mê mê,
Chớ đừng đo đắn trăm bề sâu nông.
Hồn trở về non sông Nước cũ,
Mà mau mau giết lũ tham tàn,
Mau mau giết lũ hại đàn,
Túi tham cướp hết bạc vàng của dân.
Hồn trở về cho dân tỉnh lại,
Không ngu ngu dại dại như xưa.
Không còn khó nhọc sớm trưa,
Không còn nắng nắng mưa mưa dãi dầu.
Hồn trở về mau mau Hồn hỡi!
Hồn trở về tôi đợi tôi mong.
Hồn về dạy dỗ con Rồng cháu Tiên.
Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt.
Dân không còn Nước mất sao còn?
Hỡi Hồn Nước Nước non non!
Hồn về tôi sẵn lòng son giúp Hồn.
Tôi đây cũng không khôn cho lắm,
Nhưng cũng không dại lắm cho nhiều.
Tôi nay chỉ một lòng yêu,
Nên mong nên mỏi nên chiêu Hồn về.
Hồn hỡi Hồn! Hồn về Hồn hỡi!
Hồn hỡi Hồn! Hồn hỡi Hồn ơi!
Đêm khuya cảnh vắng êm trời.
Khôn thiêng chăng hỡi Hồn ơi Hồn về!
Bút viết xong tai nghe miệng đọc.
Miệng đọc xong giọt ngọc nhỏ sa.
Nhỏ sa nên chữ hoá nhoà,
Hoá nhoà nên mới in ra nghìn tờ.
In nghìn tờ mà đưa công chúng,
Công chúng xem mong bụng đổi dần.
Để rồi thúc kẻ xa gần,
Rằng mau nên trả nợ nần non sông!…
Tác giả: Phạm Tất Đắc.
Năm 1926, ở Hà Nội có lễ truy điệu Phan Chu Trinh (mất ở Sài Gòn). Tác giả đang theo học năm thứ tư để chờ kỳ thi thành chung vì kích thích bởi phong trào bãi khoá, vì tiếng gọi của non sông, và vì không muốn cúi đầu theo lệnh của tên giám trường, ông quyết định sẽ giữ cái băng đen để để tang cụ Tây Hồ ở cái tay áo, và chờ cơ hội vượt ra khỏi nước, đồng thời đọc các thi ca ái quốc để hun đúc tinh thần.
Ý nguyện chưa đạt, lại dự thêm cuộc truy điệu cụ cử Lương Văn Can (nguyên hiệu trưởng trường Đông Kinh nghĩa thục) mất năm 1927, với tinh thần non nước, ông viết bài thơ này, đưa ra nhà in Thanh Niên để xuất bản.
Sách ra được vài hôm, ông và viên quản lý nhà in bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam. Khi ra trước toà án, viên chánh án người Pháp hỏi ông ai xúi viết bài này hoặc nhờ ai viết hộ, ông trả lời: “Đầu tôi nghĩ, tay tôi viết, công việc này hoàn toàn do tôi”. Do chưa đủ 18 tuổi, ông bị giam trong nhà Trừng giới để chờ xét nữa, rồi đưa lên Bắc Giang, rồi lại về Hoả Lò đến năm 1930 mới được thả.
Trích đoạn Bài thơ Chiêu hồn nước được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 8 giai đoạn 1990-2002, SGK Ngữ văn 8 từ 2003.
Nguồn:
1. Chiêu hồn nước, Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX, NXB Văn học, 1976
2. Chiêu hồn nước, Thái Bạch, Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp, NXB Khai Trí, 1968.