Mùa đông ở vùng cao
Ở vùng núi bao giờ mùa đông cũng đến sớm.
Khi những chiếc lá đào, lá mận đầu tiên rụng xuống thì dòng suối bắt đầu cạn nước. Gió từ trong khe núi ùa ra, mang theo hơi lạnh của núi đá. Thân cây ngải đắng bắt đầu khô lại. Rễ cây bám chặt lấy lớp đất chai cứng và ngả sang màu nâu đen vì sương muối.
Nhiều ngày, nhiều tuần, có khi cả tháng trời không có nắng. Ngoài nương chỉ còn trồng tam giác mạch. Đợi cây ngô thu hoạch xong, trời bắt đầu rét thì gieo tam giác mạch. Cỏ không mọc nổi nhưng tam giác mạch thì nảy mầm lên xanh mướt. Hạt tam giác mạch ăn không ngon như hạt ngô, hạt lúa nhưng hoa tam giác mạch thì đẹp.
Trời càng rét thì sắc biếc, sắc hồng càng rực rỡ. Cả dải núi, nương nhà này nối với nương nhờ kia cứ bừng lên một màu tam giác mạch ngợp trời.
Đỗ Bích Thuý
Nguồn: Mùa đông ở vùng cao, SGK Tiếng Việt lớp 2 (Chân trời sáng tạo)
Chú giải:
– Sương muối: hơi nước đóng băng thành các hạt nhỏ, trắng như muối.
– Tam giác mạch: một loại cây lương thực được trồng ở miền núi.
Cùng tìm hiểu:
1. Bài đọc nói về mùa nào? Ở đâu?
2. Các sự vật ở đoạn 2 thay đổi như thế nào khi mùa đông đến?
3. Câu văn “Cỏ không mọc nổi nhưng tam giác mạch thì nảy mầm lên xanh mướt.” nói lên điều gì?
4. Cây tam giác mạch có gì đẹp?
Gợi ý:
1. Bài đọc nói về mùa đông ở vùng núi.
2. Các sự vật ở đoạn 2 thay đổi như sau khi mùa đông đến:
Dòng suối bắt đầu cạn nước
Thân cây ngải đắng khô lại
Rễ cay bám chạt lớp đất chai cứng, ngả sang màu nâu đen vì sương muối
3. Câu văn nói lên “Tam giác mạch có sức sống mạnh mẽ”
4. Cây tam giác mạch đẹp bởi hoa của nó rất đẹp, khi trời càng rét, thì màu xanh, màu hồng của tam giác mạch càng rực rỡ.
Mùa đông ở vùng cao, SGK Tiếng Việt lớp 2 (Chân trời sáng tạo)