Bài ca dao Trèo lên cây bưởi hái hoa
– Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!
– Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng, biết thuở nào ra?
Theo giai thoại dân gian trong sách Giai thoại văn học Việt Nam, bài ca dao Trèo lên cây bưởi hái hoa thực chất là lời đối đáp giữa chúa Trịnh Tráng với Đào Duy Từ. Đào Duy Từ bỏ triều đình vua Lê và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài vào làm quan cho chúa Nguyễn ở Đàng Trong, còn khuyên chúa Nguyễn Phúc Nguyên không nhận sắc phong và bỏ nộp cống cho nhà Lê. Chúa Trịnh biết ông là người tài, bèn sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào biếu, kèm một bức thư riêng với bốn câu thơ: “Trèo lên cây bưởi … anh tiếc lắm thay!”
Lời thơ nói đến chuyện tình nghĩa, trong đó anh ám chỉ chúa Trịnh và em chỉ Đào Duy Từ, nhắc ông rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài, nếu trở về sẽ được triều đình trọng dụng còn nếu không thì ngầm ý đe doạ. Người ta đồn rằng Đào Duy Từ đã xây mộ cho cha mẹ tại Bình Định để tránh bị Đàng Ngoài khống chế. Vì thế Đào Duy Từ không sợ hãi chúa Trịnh trả thù và ông đã trả lại quà tặng và viết tiếp bài thơ để phúc đáp chúa Trịnh: “Ba đồng một mớ … biết thuở nào ra?”
Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hy vọng, bèn cho người đem lễ vật nhiều hơn, và mang theo lá thư của chúa Trịnh vào gặp Đào Duy Từ lần nữa. Lần này, ông mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh:
Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!
Nguồn của Trèo lên cây bưởi hái hoa:
1. Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1951
2. Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, 1971
3. Hoàng Ngọc Phách, Kiều Thu Hoạch, Giai thoại văn học Việt Nam, NXB Văn học, 2001