Chuyện quả bầu
Ngày xưa có vợ chồng nhà nọ đi rừng, bắt được một con dúi. Dúi xin tha, họ thương tình tha cho nó.
Để trả ơn, dúi báo sắp có lũ lụt rất lớn và chỉ cho họ cách tránh. Họ nói với bà con nhưng chẳng ai tin. Nghe lời dúi, họ khoét rỗng khúc gỗ to, chuẩn bị thức ăn bỏ vào đó. Vừa chuẩn bị xong thì mưa to, gió lớn, nước ngập mênh mông. Muôn loài chìm trong biển nước. Nhờ sống trong khúc gỗ nổi, vợ chồng nhà nọ thoát nạn.
Ít lâu sau, người vợ sinh ra một quả bầu.
Một hôm, đi làm nương về, họ nghe tiếng cười đùa từ gác bếp để quả bầu. Thấy lạ, họ lấy quả bầu xuống, áp tai nghe thì có tiếng lao xao. Người vợ bèn lấy que, dùi quả bầu. Lạ thay, từ trong quả bầu, những con người bé nhỏ bước ra. Người Khơ Mú ra trước. Tiếp đến, người Thái, người Mường, người Dao, người Mông, người Ê-đê, người Ba-ng, người Kinh,… lần lượt ra theo.
Đó là tổ tiên của các dân tộc anh em trên đất nước ta ngày nay.
Theo Truyện cổ Khơ Mú
Nguồn: Chuyện quả bầu, SGK Tiếng Việt lớp 2 (Chân trời sáng tạo)
– Dùi: tạo lỗ thủng bằng que nhọn
– Tổ tiên: những người đầu tiên sinh ra một dòng họ hay một dân tộc.
Cùng tìm hiểu:
1. Hai vợ chồng làm gì khi bắt được con dúi?
2. Nhờ đâu hai vợ chồng thoát nạn?
3. Chuyện gì lạ xảy ra với hai vợ chồng sau nạn lụt?
4. Câu chuyện giải thích điều gì?
Gợi ý:
1. Sau khi bắt được con dúi, hai vợ chồng đã tha cho nó.
2. Hai vợ chồng thoát được nạn, nhờ sống trong khúc gỗ nổi có thức ăn chuẩn bị từ trước đó.
3. Sau khi hai vợ chồng thoát nạn lụt, đã xảy ra chuyện lạ là người vợ sinh ra một quả bầu.
4. Câu chuyện giải thích “sự ra đời của các dân tộc”