Nội dung của bài
Bài ca Côn Sơn
(Côn Sơn ca)
Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
Về đi sao chẳng sớm toan,
Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi?
Muôn chung chín vạc làm gì,
Cơm rau nước lã nên tuỳ phận thôi.
Đổng, Nguyên để tiếng trên đời,
Hồ tiêu ăm ắp, vàng mười chứa chan.
Lại kia trên núi Thú San,
Di, Tề nhịn đói chẳng màng thóc Chu.
Hai đàng khó sánh hiền ngu,
Đều làm cho thoả được như ý mình.
Trăm năm trong cuộc nhân sinh,
Người như cây cỏ thân hình nát tan.
Hết ưu lạc đến bi hoan,
Tốt tươi khô héo, tuần hoàn đổi thay.
Núi gò đài các đó đây,
Chết rồi ai biết đâu ngày nhục vinh.
Sào, Do bằng có tái sinh,
Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn.
Bản dịch của Phan Võ, Lê Thước, Đào Phương Bình.
###
Côn Sơn ca
Côn Sơn hữu tuyền,
Kỳ thanh lãnh lãnh nhiên,
Ngô dĩ vi cầm huyền.
Côn Sơn hữu thạch,
Vũ tẩy đài phô bích,
Ngô dĩ vi đạm tịch.
Nham trung hữu tùng,
Vạn lí thuý đồng đồng,
Ngô ư thị hồ yển tức kì trung.
Lâm trung hữu trúc,
Thiên mẫu ấn hàn lục,
Ngô ư thị hồ ngâm tiếu kì trắc.
Vấn quân hà bất quy khứ lai,
Bán sinh trần thổ trường giao cốc?
Vạn chung cửu đỉnh hà tất nhiên,
Ẩm thuỷ phạn sơ tuỳ phận túc.
Quân bất kiến: Đổng Trác hoàng kim doanh nhất ổ,
Nguyên Tái hồ tiêu bát bách hộc.
Hựu bất kiến: Bá Di dữ Thúc Tề,
Thú Dương ngạ tự bất thực túc?
Hiền ngu lưỡng giả bất tương mâu,
Diệc các tự cầu kì sở dục.
Nhân sinh bách tuế nội,
Tất cánh đồng thảo mộc.
Hoan bi ưu lạc điệt vãng lai,
Nhất vinh nhất tạ hoàn tương tục.
Khâu sơn hoa ốc diệc ngẫu nhiên,
Tử hậu thuỳ vinh cánh thuỳ nhục.
Nhân gian nhược hữu Sào Do đồ,
Khuyến cừ thính ngã sơn trung khúc.
###
Bản dịch của nhóm Đào Duy Anh:
Bài ca Côn Sơn
(Côn Sơn ca)
Côn Sơn có khe,
Tiếng nước chảy rì rầm.
Ta lấy làm đàn cầm.
Côn Sơn có đá,
Mưa xối rêu xanh đậm,
Ta lấy làm chiếu thảm.
Trên núi có thông,
Muôn dặm rờn rơn biếc một vùng,
Ta tha hồ ngơi nghỉ ở trong.
Trong rừng có trúc,
Nghìn mẫu in biếc lục,
Ta tha hồ ca ngâm bên gốc.
Ngươi sao còn chửa về đi!
Nửa đời bụi bặm hoài lăn lóc,
Muôn chung, chín đỉnh có làm gì?
Nước lã, cơm rau miễn tri túc,
Ngươi chẳng thấy Ðổng Trác ngọc vàng chất đầy nhà?
Nguyên Tải hồ tiêu tám trăm hộc?
Lại chẳng thấy Bá Di với Thúc Tề?
Thú Dương chết đói không ăn thóc?
Hiền ngu dù chẳng giống nhau đâu,
Cũng đều muốn thoả lòng sở dục.
Người đời trong trăm năm,
Rốt cuộc như thảo mộc.
Vui buồn lo sướng đổi thay nhau,
Một tươi một héo vẫn tương tục.
Cồn hoang lầu đẹp cũng ngẫu nhiên,
Chết rồi ai vinh với ai nhục?
Nhân gian nếu còn bọn Sào Do,
Khuyên hãy nghe ta ca một khúc.
Nguồn: Đào Duy Anh, Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học xã hội, 1976.
###
Bản dịch của Nguyễn Trọng Thuật:
Bài ca Côn Sơn
(Côn Sơn ca)
Côn Sơn có suối nước trong,
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm.
Côn Sơn có đá tần vần,
Mưa tuôn, đá sạch ta nằm ta chơi.
Côn Sơn thông tốt ngất trời.
Ngả nghiêng dưới bóng ra thời tự do.
Côn Sơn trúc mọc đầy gò,
Lá xanh bóng rợp tha hồ tiêu dao.
Sao không về phắt đi nào,
Đời người vướng vất xiết bao cát lầm!
Cơm rau nước lã an thân,
Muôn chung nghìn tứ có cần quyền chi.
Sao không xem:
Gian tà những kẻ xưa kia,
Trước thì họ Đổng, sau thì họ Nguyên.
Đổng thì mấy vựa kim tiền,
Nguyên hồ tiêu chứa mấy nghìn muôn cân.
Lại chẳng xem:
Di, Tề hai đấng thánh nhân,
Nằm trên núi Thú, nhịn ăn đến già.
Nào ai khôn dại ru mà,
Chẳng qua chỉ tự lòng ta sở cầu.
Trăm năm trong cuộc bể dâu,
Người cùng cây cỏ khác nhau chút nào.
Khóc, cười, mừng, sợ xôn xao,
Đang tươi bỗng héo biết bao nhiêu lần!
Nhục vinh thân cũng là thân,
Cửa ngăn nhà ngói trăm năm còn gì.
Sào, Do hai bạn tương tri,
Vào Hun ta đọc cho nghe bài này!
Nguồn:
1. Nam Phong tạp chí, số 148, tháng 3-1930
2. Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu xuất bản, 1968
###
Bản dịch của Lê Cao Phan:
Bài ca Côn Sơn
(Côn Sơn ca)
Côn Sơn có suối khe róc rách
Lắng nghe như tiếng phách gần xa
Có mưa gội đá chan hoà
Một màu xanh biếc mượt mà nệm rêu
Thông tùng mọc rảnh đều vạn dặm
Quả là nơi êm thắm nghỉ ngơi
Rừng tre nghìn mẫu xanh tươi
Ngâm nga ta cứ thảnh thơi một mình.
Tự hỏi sao chẳng đành trở lại
Đà nửa đời khổ ải gian truân
Sá gì danh lợi phù vân
Rau rừng nước suối đủ cần ngày qua.
Người chẳng thấy, giàu xưa nhắc mãi
Đổng Trác, vàng, Nguyên Tái, hồ tiêu?
Nhà Chu, Bá Thúc đâu theo
Thú Dương ẩn trốn, chịu điều thiệt thân.
Hiền ngu rõ, dù phân hai phía
Sở dục đều một nghĩa như nhau
Trăm năm chẳng trước thì sau
Khác gì cây cỏ, lọ cầu bi hoan.
Tươi tốt đấy, héo tàn cũng đấy
Động núi như lầu giãy dọc ngang
Xuôi tay, hèn khác gì sang
Vinh hơn gì nhục, một đường ấy thôi.
Sào, Do ai chuộng trên đời
Hãy vào chốn núi nghe lời ta ca.
###
Bản dịch của Lê Phụng:
Bài ca Côn Sơn
(Côn Sơn ca)
Núi Hun có suối quanh co
Nước tuôn róc rách nhỏ to tiếng đàn
Núi Hun vách đá ngút ngàn
Thạch bàn mưa trải một làn rêu xanh
Dặm dài thông biếc đan cành
Vắt chân nằm khểnh bên ghềnh ngắm mây
Rừng sâu vạn mậu trúc gầy
Nghêu ngao ngâm vịnh với đầy ý thơ
Nẻo về sao vẫn hững hờ
Nửa đời lấm bụi chần chờ chi đây
Đỉnh chung rũ sạch nà hay
Cơm rau nước lã qua ngày đủ no
Ngươi chẳng thấy
Ngọc vàng Đổng Trác đầy kho
Họ Nguyên thừ tám trăm bồ hồ tiêu
Lại chẳng thấy
Di Tề nước mất nhà xiêu
Thú Dương bỏ thóc giữ điều đục trong
Hiền ngu dẫu chẳng chung đường
Chữ dục là muốn một tuồng như nhau
Cỏ cây người thế khác đâu
Trăm năm mục nát đất sâu chôn vùi
Đổi thay lo sướng buồn vui
Một vòng một héo một tươi một mầu
Gò hoang điện ngọc khác sao
Nhục vinh nhắm mắt ai nào hơn ai
Sào Do trần thế lũ bay
Ta mời cả bọn nghe bài Núi Hun
###
Bản dịch của Trương Việt Linh:
Bài ca Côn Sơn
(Côn Sơn ca)
Côn Sơn có suối trong róc rách,
Đá gội mưa rêu biếc biếc xanh.
Véo von như tiếng đàn tranh,
Làm nơi nghỉ mát thoả lòng thảnh thơi.
Núi cao trải dài trăm ngàn dặm,
Rừng trúc xanh xanh thẳm muôn tầm.
Tha hồ vui thú ca ngâm,
Người ơi sao chẳng mau chân trở về.
Nửa đời cứ u mê ràng buộc,
Bả phù vân dại chuốc vào mình.
Uống ăn thanh đạm vừa phần,
Rau rừng nước suối có cần chi đâu.
Đổng Trác nọ dinh đầy vàng bạc,
Nguyên Tải xưa, trăm hộc hồ tiêu.
Phò Chu, Bá Thúc chẳng theo,
Thú Dương ẩn trốn cam điều thiệt thân.
Kẻ hiền ngu cũng không có khác,
Thảy điều mong thoả được ý mình.
Trăm năm giấc mộng qua nhanh,
Bi hoan, tươi héo, giống cùng cỏ cây.
Động núi sâu tựa lầu ngang dọc,
Khi chết nào đâu nhục đâu vinh?
Sào Do ai nối chí mình,
Núi sâu lắng khúc tâm tình ta ca.
###
Bản dịch của Viên Dao:
Bài ca Côn Sơn
(Côn Sơn ca)
Núi Côn Sơn suối trong nước chảy,
Ta nghe như đàn gảy bên tai.
Đá Côn Sơn mưa sạch trần ai,
Ta có sẵn chiếu ngồi vui thú.
Trong muôn trượng dãy tùng reo múa,
Ta thường thường thức ngủ nằm khênh.
Ngoài nhìn mẫu trúc xanh man mác,
Ta thường thường ngâm hát gần kề.
Hỏi ai sao chẳng đi về,
Nửa đời danh lợi mệt mê trong vòng.
Lọ là cửu đỉnh vạn chung,
Cơm rau nước lã cũng xong tháng ngày.
Ai chẳng thấy: Đổng Trác nọ vàng đầy kể hốc,
Nguyên Tải kia kể hộc hồ tiêu?
Lại chẳng thấy:
Di Tề nằm queo núi Thú,
Thóc không ăn đói rũ mà đành.
Hiền ngu hai lối rành rành,
Chẳng qua mình thích trí mình mình thôi.
Trăm năm trong cõi người đời,
Ai là thoát khỏi bạn loài cỏ cây.
Bi hoan như cuộc bóng quay,
Chuyện đời một trả một vay thôi mà!
Tình cờ đâu đó cũng là,
Ai vinh ai nhục lúc đà hết hơi.
Sào, Do như có đương thời,
Bảo nghe trong núi có người ngâm thơ.
Côn Sơn là một ngọn núi ở xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt), trên núi có động Thanh Hư, dưới có cầu Thấu Ngọc, đều là thắng cảnh (theo sách Quảng Dư Chí). Đời Trần, Trúc Lâm thiền sư dựng am ở đây, và trạng nguyên Lý Đạo Tái (tức sư Huyền Quang) sau khi từ chức trở về nhập thiền và trụ trì chùa Ân Tứ ở núi này. Triều Trần, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, thường ngâm thơ uống rượu ở núi Côn Sơn sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Tác giả từng thừa hưởng cơ ngơi của ngoại tổ.
Bài ca này Nguyễn Trãi làm khi về nghỉ ở Côn Sơn, cạnh chùa Hun, nhân dịp sưu tập, sắp xếp tập thơ Băng Hồ Ngọc hác tập của Trần Nguyên Ðán, ông ngoại mình.