Ong xây tổ
Khi bắt đầu xây tổ, ong bám nhau thành chuỗi. Rồi từng chú ong thợ trẻ lần lượt rời khỏi hàng, lấy giọt sáp dưới bụng trộn với nước bọt tạo thành một chất đặc biệt để xây tổ. Hết sáp, chú tự rút lui về phía sau, chú khác tiến lên xây tiếp. Còn những bác ong thợ già, những anh ong non thì dùng sức nóng của mình sưởi ấm cho những giọt sáp đã nhào nước bọt của ong thợ trẻ. Chất sáp lúc đầu dính như hồ, sau khô đi thành một chất xốp, bền và khó thấm nước.
Chỉ vài ba tháng sau, tổ ong đã xây xong. Đó là một “toà nhà đặc biệt”, ngăn nắp, trật tự, có hàng ngàn căn phòng giống hệt nhau.
Theo Ong xây tổ, Tập đọc lớp 3, 1983
Nguồn: Ong xây tổ, SGK Tiếng Việt lớp 2 (Chân trời sáng tạo)
- Sáp: chất mềm không thấm nước, được một số sâu bọ tạo ra để xây tổ.
- Hồ: chất dính được làm từ bột và nước khuấy chín, dùng để dán.
Cùng tìm hiểu Ong xây tổ:
1. Khi bắt đầu xây tổ, ong làm gì?
2. Ong thợ già, ong thợ trẻ và ong thợ non thực hiện công việc gì để xây tổ?
3. Tổ ong được miêu tả như thế nào?
4. Khi xây tổ, những chú ong có điểm gì đáng khen?
Gợi ý Ong xây tổ:
1. Khi bắt đầu xây tổ, ong bám nhau thành chuỗi, thành hàng.
2. Các công việc khi xây tổ:
– Ong thợ trẻ: lần lượt rời khỏi hàng, lấy giọt sáp dưới bụng trộn với nước bọt tạo thành một chất đặc biệt để xây tổ.
– Ong thợ già và ong thợ non: dùng sức nóng của mình sưởi ấm cho những giọt sáp đã nhào nước bọt của ong thợ trẻ.
3. Tổ ong được miêu tả là một “tòa nhà đặc biệt”, ngăn nắp, trật tự, có hàng ngàn căn phòng giống hệt nhau.
4. Khi xây tổ, những chú ong đáng khen bởi “Đoàn kết, kỉ luật, cùng nhau xây tổ”