Bài thơ Tiếng hát đi đày
Tặng Huỳnh Ngọc Huệ
Đường qua mấy phố Quy Nhơn
Nhà sao trông lại yêu hơn mọi lần
Người đi quấn áo chen chân
Ờ sao như đã quen thân từ nào?
Xe ơi, chậm chậm ngừng giây phút
Kẻo nữa rồi đây lại khát khao!
Nhưng nhà đã rải lơ thơ
Người đi mấy bóng vẩn vơ trên đường
Đồng xanh gợn nhớ quê hương
Bơ vơ tiếng hát bên nương nắng chiều
Xa rồi bóng dáng yêu thương cũ
Nhạt nhạt ngàn xa buồn cô liêu…
Đường lên xứ lạ Kông Tum
Quanh quanh đèo chật, trùng trùng núi cao
Thông reo bờ suối rì rào
Chim chiều chíu chít, ai nào kêu ai?
Muốn gầm một tiếng tan u uất
Hận bỗng tuôn theo gió thổi dài
Đường lên Đắc Sút, Đắc Pao
Đèo leo ngọn thác, cầu treo mặt ghềnh
Đìu hiu mấy ải đồn canh
Lòng đau lại nhớ các anh những ngày…
Chao ôi, xưa cũng chốn này đây
Thân bạn vùi xương dưới gốc mây
Roi vụt nát tay bầy lính rợ
Máu đầm khoái mắt lũ đồn Tây!
Mỗi hòn đá đó bao hòn huyết
Một khúc cầu đây, mấy khúc thây!
Hỡi những anh đầu qua trước đó
Biết chăng còn lắm bạn đi đày!
Đường lên đỉnh núi Đắc Lay
Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim
Gà đâu gáy động im lìm
Mơ mơ mấy xóm tranh chìm trong mây
Đồn xa héo hắt cờ bay
Hiu hiu phất lại buồn vây vây lòng
Có ai hiểu nổi hờn ghê gớm
Trên mắt người trông với núi sương
Núi hỡi! Từ đây băng xuống đó
Chừng bao nhiêu dặm, mấy đêm đường?
Tác giả: Tố Hữu – Nguyễn Kim Thành.
Tháng giêng 1942
Huỳnh Ngọc Huệ là chiến sĩ cộng sản, bạn tù cùng bị giải lên Đắc Lay, sau đó cùng với Tố Hữu vượt ngục Đắc Lay tháng 3-1942.
Bài thơ Tiếng hát đi đày được sử dụng làm bài đọc thêm trong chương trình SGK Ngữ văn 12 giai đoạn 1990-2006.
Nguồn:
1. Tiếng hát đi đày, Tố Hữu, Từ ấy, NXB Văn học, 1971
2. Tiếng hát đi đày, Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004.