Bài thơ Bài ca lưu biệt
Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết,
Người ở đời sao khỏi tiết gian nan.
Đấng trượng phu tuỳ ngộ nhi an,
Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn.
Tiền lộ định tri thiên hữu nhãn,
Thâm tiêu do hứa mộng hoàn gia,
Mấy nhiêu năm cũng vẫn chưa già.
Nọ núi Ấn, này sông Đà,
Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt.
Kìa tụ tán chẳng qua là tiểu biệt,
Ngựa Tái ông hoạ phúc biết về đâu!
Một mai kia con tạo khéo cơ cầu,
Thảy bốn bể cũng trong bầu trời đất cả.
Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Dầu đến lúc núi sụp biển lồi, trời nghiêng đất ngả,
Tấm lòng vàng tạc đá vẫn chưa mòn.
Trăng kia khuyết đó lại tròn.
Tác giả: Huỳnh Thúc Kháng.
Bài thơ Bài ca lưu biệt được viết năm 1908, trong hoàn cảnh trước khi bị giải ra Côn Đảo và có cuộc tiễn đưa của các chiến hữu trong tù. Bài thơ đã được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân miền Trung thời Pháp thuộc và xứng đáng là một bông hoa tươi thắm trong vườn thơ ca yêu nước và Cách mạng Việt nam ở thể kỷ XX.
Bài thơ Bài ca lưu biệt từng được sử dụng trong phần đọc thêm SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được lược bỏ trong SGK Ngữ văn 11 từ 2007.
Nguồn:
1. Bài ca lưu biệt, Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, NXB Nam Cường, 1951, tr. 20
2. Bài ca lưu biệt, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập IV), NXB Văn hoá, 1963
3. Bài ca lưu biệt, Nguyễn Thạch Giang và Lữ Huy Nguyên, Từ ngữ điển cố Văn học, NXB Văn học, 1999
4. Bài ca lưu biệt, Chương Thâu (chủ biên), Tổng tập Văn học Việt Nam – tập 19, NXB Khoa học xã hội, 2000.