Nội dung của bài
Đồng dao Lạy trời mưa xuống
(Bài thơ Gọi mưa)
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp
Lấy nếp nấu xôi
Lấy vôi ăn trầu
Lấy bậu về ôm
Lấy nơm đơm cá
Lấy rá vo gạo
Lấy dao thái thịt
Lấy liếp làm nhà
Lấy hoa về cúng
Lấy thúng đựng tiền
Lấy tiên làm vợ
Lấy chợ bán đồ
Lấy ngô nuôi lợn
Lấy bợm làm bè
Lấy ghe đánh cá
Lấy vá múc canh
Lấy hành xào thịt
Lấy vịt tiết canh
Lấy manh áo mới
Lấy trời chở che
Lấy mè rang muối
Lấy chuỗi trân châu
Lấy trâu đi cày
Lấy bầy trẻ con
Lấy hòn đá cuội
Lấy bụi chuối cau
Lấy màu nhuộm áo
Lấy đạo để theo
Lấy cheo đóng làng
Lấy hàng rau muống.
Nguồn: sưu tầm.
Dị bản:
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Cho đầy nồi cơm
Tôi đơm cho dễ
Tôi lễ ông trời.###
Lạy ông mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy bát cơm đầy
Lấy khúc cá to.###
Lậy trời mưa xuống
Lậy trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp.
Lậy ông nắng lên,
Cho trẻ con chơi,
Cho già bắt rận,
Cho tôi đi cày.Nguồn: Mã Giang Lân, Tục ngữ và ca dao Việt Nam, NXB Giáo dục, 1999 (tái bản lần thứ 5).
Chú giải:
- Nếp: Loại lúa cho hạt gạo hạt to và trắng, nấu chín thì trong và dẻo, thường dùng thổi xôi, làm bánh.\
- Bậu: Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô “qua, bậu” thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
- Nơm: Đồ đan bằng tre, dùng để úp, chụp cá.
- Rá: Đồ đan bằng tre có vành (gọi là cạp), dùng để đựng gạo hoặc nông sản.
- Liếp: Tấm mỏng đan bằng tre nứa, dùng để che chắn.
- Thúng: Dụng cụ để chứa, đựng, hay đong các loại nông, thủy, hải sản. Thúng thường được đan bằng tre, hình chén, miệng tròn hoặc hơi vuông, lòng sâu, có khi sâu tới nửa mét, đường kính khá lớn, khoảng từ 45 cm (thúng con) đến 55 cm (thúng cái). Vành miệng thúng có dây mây nức vành.
- Bợm: Kẻ chuyên lừa bịp, nhiều mánh khóe (bịp bợm), hoặc kẻ sành sỏi về ăn chơi (bợm nhậu, bợm bạc).
- Bè: Bạn bè.
- Ghe: Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.
- Vá: Cái môi (muôi) múc canh (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
- Mè: Vừng. Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.
- Trân châu: Ngọc trai, một loại ngọc hình thành trong lòng một số loài trai ngọc.
- Chuối cau: Loại chuối quả nhỏ và mập (trông giống quả cau), khi chín vỏ vàng, thịt thơm và hơi nhão.
- Cheo: Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.